Cơm cháy Ninh Bình là một trong những món ăn đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình. Vào lúc 15 giờ, ngày 01 tháng 08 năm 2012, tại Faridabad, Ấn Độ - Tổ chức Kỷ Lục Châu Á đã chính thức công nhận cơm cháy Ninh Bình là món ngon kỷ lục châu Á trong danh sách 10 món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Trước đó món cơm cháy đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings chọn vào danh sách đề cử 15 món ngon nhận kỷ lục châu Á. Loại hình ẩm thực này phát triển mạnh ở thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và các khu du lịch ở Ninh Bình. Cơm cháy Ninh Bình được nhiều doanh nghiệp sản xuất đóng gói và bán trên thị trường. Trên địa bàn Ninh Bình hiện có khoảng 15 công ty, doanh nghiệp và 10 cơ sở, hộ gia đình đăng ký sản xuất và chế biến sản phẩm cơm cháy, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 500 tấn sản phẩm.
Nguồn gốc phát triển
Thời Pháp thuộc cuối thể kỷ 19, ở Ninh Bình có người thanh niên trẻ tuổi tên Đinh Hoàng Thăng ra Hà Nội làm công cho một hiệu ăn lớn của người Hoa. Sau đó, do không lấy được con gái ông chủ, Hoàng Thăng bỏ việc, trở về quê nhà. Với kiến thức đã học được là bí quyết chế biến các món ngon, Hoàng Thăng đã sáng tạo xây dựng một nhà hàng ăn chuyên về cơm cháy. Sau này Đinh Hoàng Thăng lại được ông chủ cũ mời cộng tác mở nhiều nhà hàng mới và gả con gái cho. Từ thành công của ông, nhiều cửa hàng khác cũng mọc lên, món cơm cháy Ninh Bình ra đời.
Một trong những nguyên nhân quan trọng kích thích món cơm cháy Ninh Bình cũng nhưrượu Kim Sơn phát triển phải nói đến sức cung dồi dào của vựa lúa châu thổ Sông Hồng, nơi có đất đai màu mỡ phì nhiêu hàng năm cho một sản lượng lớn các loại lúa gạo ngon như: gạo tám Hải Hậu, dự, nếp hương… Từ khi Ninh Bình phát triển mạnh các khu du lịch, món đặc sản thịt dê núi cũng góp phần trợ giúp cơm cháy Ninh Bình phát triển vì nước xốt chan cơm cũng sử dụng thịt dê, hơn nữa thịt dê ít béo nên có thể ăn với cơm cháy mà không bị ngán. Hầu như các nhà hàng ăn ở đây đều cung cấp thịt dê núi đi kèm với cơm cháy.
Ngày nay, ở Ninh Bình có nhiều nơi kinh doanh món cơm cháy, nhưng món cơm cháy gia truyền của ông Hoàng Thăng thường được dân gian coi là nổi tiếng nhất. Nét độc đáo của cơm cháy Ninh Bình là từ nguyên liệu sở tại. Khác với các vùng khác từ cách chiên cho đến nước xốt đi kèm.
Chế biến
Cơm cháy Ninh Bình
Cơm cháy cổ truyền
Cơm cháy cổ truyền là món ăn tổng hợp bao gồm cơm cháy chiên xong ăn liền với thịt dê, bò hoặc tim, cật lợn xào với rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua. Để cơm được ngon thì người ta dùng gạo nếp Hương, hạt gạo tròn và trong. Nấu than củi là tốt nhất. Phải để lửa thế nào đó cho thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi, không chỗ nào dày chỗ nào mỏng. Nhất thiết phải nấu bằng nồi gang. Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên hai, ba nắng thì mới đạt. Khi bảo quản phải vệ sinh, để chỗ thoáng, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn mới chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi, qua ngày, cơm sẽ bị hôi dầu và bã, không ngon. Thịt dê hoặc bỏ thăn thái lát đem ướp gia vị và đem xào đều với các loại rau, sau đó đổ lên cơm cháy. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị thơm cốm mới.
Cơm cháy đóng gói
Một sản phẩm cơm cháy đóng gói
Cơm cháy đóng gói gồm cơm cháy với hành phi, ruốc thịt và các gia vị khác thường có chung cách làm như sau:
- Cho cơm nếp đã nguội bỏ vào chảo chống dính để ép mỏng, để lửa nhỏ và đều sao cho cơm cháy vừa tới, có mùi thơm của cơm cháy.
- Khi thấy cơm có một lớp xém bên dưới, tắt lửa, lấy cẩn thận miếng cơm ra khỏi chảo. Bỏ vào thớt cắt thành miếng vuông vừa miệng.
- Đem cơm cháy ra phơi dưới nắng tới khi nào cơm khô, miếng cơm đã cắt cong lên.
- Làm nóng chảo, cho nhiều dầu, khi nào dầu già thì bỏ cơm cháy đã phơi khô vào chiên vàng đều. Khi đã vàng đều vớt ra cho vào giấy thấm dầu.
- Rắc hành phi khô cùng với ruốc thịt lên bề mặt cơm cháy chà cho thật đều rồi đóng gói.
Thương hiệu du lịch
Cơm cháy Ninh Bình cùng với các món từ thịt dê núi Ninh Bình và rượu Kim Sơn là một bữa tiệc độc đáo với đầy đủ hương vị các miền sông, núi Ninh Bình, được đi vào trong thơ ca:
- "Rượu ngon cơm cháy thịt dê
- Ninh Bình chào đón khách về tham quan
- Đẹp thay non nước Tràng An
- Hạ Long trên cạn, đại ngàn Cúc Phương."
Đến năm 2016, toàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 250 doanh nghiệp, xưởng chế biến đăng ký kinh doanh, sản xuất cơm cháy trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó chủ yếu là những nhà hàng phục vụ ăn uống và một số sản phẩm cơm cháy phục vụ các khu du lịch. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình, mỗi năm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sản xuất khoảng 400 tấn cơm cháy. Một số doanh nghiệp uy tín trên địa bàn như Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Đại Long, Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Hoa Lư… có thể sản xuất từ 0,5-1 tấn cơm cháy/ngày và tiêu thụ tại nhiều cửa hàng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, hệ thống phân phối ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng…
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Cơm_cháy